Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Đại đồn Chí Hoà - Vì sao chúng ta thua người Pháp


Năm 1859 Pháp hạ thành Gia Định (tức thành Phiên An hay thành Phụng), năm 1860 Nguyễn Tri Phương nhận lệnh vua Tự Đức vào nam chống Pháp. Năm 19862, trong 2 ngày đêm,Pháp hạ đại đồn Chí Hoà, quân Nguyễn tan vỡ rút chạy mở đầu cho đêm dài từ Đại Nam chuyển sang An Nam.

Vì sao chúng ta thua người Pháp với một đại đồn to lớn được bảo vệ với các tiền đồn dày đặc, quân chính quy cả vạn và một vị tướng được triều đình gọi là kẻ Kiệt Hiệt? Tôi nhớ khi học lớp 11, 12 gì đó, Thầy giáo dạy sử tôi khi dạy đến đoạn này chỉ chắc lưỡi không thôi mà chẳng giải thích thêm chi ngoại trừ những cái gạch đầu dòng khô khốc. Chính vì cái sự thiếu hụt thông tin đó, vì cái sự tức tối bởi tự ái dân tộc hay cũng vì bởi ảnh hưởng phim ảnh Tàu với những trường đoạn công thành máu lửa mà tôi cứ tức tối: "VÌ SAO CHÚNG TA THUA NGƯỜI PHÁP". Tôi lao vào tìm hiểu mà có biết đâu đó chính là cái cơ hội biến tôi thành một người thờ ơ chán ghét Lịch sử thành ra một người thích và đam mê nhiều như bây giờ. Bây giờ 31 tuổi, tôi có dịp ngồi đây viết lại những quan điểm, những nhận định cá nhân tôi thông qua các tư liệu của người đi trước đã có...thật là thú vị. Vậy dưới đây là những quan điểm cũng như nhận xét cá nhân của Chương tôi, các vị cao niên, các anh chị thông thạo sử học có bổ sung hay góp ý gì, Chương tôi xin hai tay mà nhận, lại cảm ơn lắm lắm cái thịnh tình kia của chư vị. Trân trọng
Bản đồ trận Kỳ Hoà (nguồn: Vaputin)
*Vàng nhạt: Phòng tuyến chùa do Pháp lập
*Hồng: Thành Gia Định (đã thất thủ)
*Xanh lá: Lăng cha cả
*Tím: Đồng mồ mã

Trước hết chúng ta hãy xem thử Nguyễn Tri Phương mong muốn gì ở Đại đồn và ông đã thực hiện chiến thuật chống Pháp ra làm sao.

Đại đồn Chí Hoà (Pháp gọi là Kỳ Hoà) nhìn trên bản đồ dài mà hẹp chiều ngang. Mặt chính Đại đồn quay về hướng rạch Bến Nghé (xoay ra nhìn Q.1) lấy đường CMT8 làm trung tâm xẻ Đại đồn làm hai theo chiều dọc. xung quanh đồn là các pháo đài, các đồn nhỏ làm tiền tiêu bảo vệ. Đại đồn dài non 3 cây số, rộng khoảng 1 cây số, tường đắp đất chống bằng tre nứa cao 3,2 m. Trong đồn được chia thành 5 khu bằng nhau bởi các vách đất, cửa gổ (tương tự căn cứ Yên Thế ngoài Bắc) Trên tường có nhiều lỗ châu mai, bố trí nhiều đại bác (trên dưới 150 khẩu) tập trung chủ yếu tại hướng Nam (hướng chính, mặt tiền đồn). Theo vài tư liệu thì lúc ấy trong đồn có 21.000 quân chính quy + 10.000 quân dân dũng. Phía Pháp ban đầu chỉ có 800 quân, sau đó mới bổ sung đến 4000 quân. Theo tôi thì cứ phải thắc mắc mãi con số hơn 30.000 quân phía ta. Nên nhớ khi Pháp đánh Đà Nẵng gần sát kinh đô mà Nguyễn Tri Phương chỉ có hơn 5000 quân chính quy (theo Đại Nam Thực Lục), thành Gia Định xa như thế lại mới thất thủ, không hiểu sao lại có con số tận 21.000 quân chính quy??? vấn đề này tôi nghĩ cần phải xem lại, đợi các anh chị rành hơn vào chỉ vậy. Nhìn vào bản đồ thấy Nguyễn Tri Phương bố trí các đồn nhỏ hai bên cánh Đại đồn nhằm bao vây Pháp. hệ thống đồn hướng Cholon nhằm cắt đứt hướng Chợ Lớn của người Pháp, nơi mà Pháp đã có quan hệ thương mãi trước đó và là vựa lúa Gia Định. hệ thống đồn hướng còn lại nhằm bao vây Bến Nghé ngăn Pháp đi vòng hướng Phú Nhuận - Tân Bình đánh vào mặt hông đồn. Chiến thuật này tương tự như chiến thuật bao vậy đánh Pháp ở Đà Nẵng khiến cho người Pháp thiếu lương, nản lòng lại bị thổ chướng hoành hành mà bại trận rút lui. Mặc dù ý định của Nguyễn Tri Phương là thế nhưng cũng hiểu cho Nguyễn Tri Phương khi thời đó chả có cái  khái niệm tình báo thế giới, vì thế ông không biết lúc này quân Pháp đã rút hết sang Trung Quốc tham gia liên quân chỉ để lại có 800 quân. Mấy ngàn quân mà đi bao vây có 800 quân và vài đồn thì thật đáng trách. Mặt khác chính Nguyễn Tri Phương chỉ huy kháng Pháp Đà Nẵng đã biết rõ binh lực, chiến thuật và vũ khi của họ mạnh mẽ thế nào nên ông đã thiên qua ý định phòng thủ để chiến thắng cộng thêm ý chí mạnh mẽ quyết thủ của tham quân Tôn Thất Hiệp, thế là NGuyễn Tri Phương đã bỏ qua một cơ hội đánh Pháo tuyệt vời.

Về vũ khi phía ta, ta có đại bác, súng tay, gươm, mác, giáo nỏ....Xung quanh đại đồn là hầm chông, các vũng bùn nhão, các bụi gai tự nhiên làm vật cản. Về con số 150 đại bác, tôi tin là con số thật mặc dù con số này do Pháp báo cáo lên trên. Vấn đề ở đây là ta sử dụng đại bác nào để thủ thành, chất lượng ra làm sao. Trước hết chung ta nhận thấy, với chu vi Đồn cần bảo vệ lớn đến thế mà rải rác 150 khẩu pháo là hơi ít. Đa phần ta sử dụng pháo loại nhỏ cầm tay hoặc đặt trên bệ với công nghệ Bồ Đào Nha thời trước nội chiến Tây Sơn. Cá biệt là 9 khẩu Cửu Vị Thần Công phiên bản 2 do Tự Đức cho đúc theo mẫu Minh Mạng được kéo vào hỗ trợ cho Đại đồn. Dưới đây là một số loại đại bác nhà Nguyễn tham gia hộ Đồn.
Loại pháo nhỏ kéo bệ gỗ hay cầm tay của nhà Nguyễn

Súng thần công loại trung 

Pháo nhỏ kéo xe kiểu Châu Âu có từ thời Gia Long

Súng điểu thương (súng kíp)

Súng hoả mai thời Minh 

Về súng trường, ta dùng phần nhiều là súng hoả mai cũ, chỉ có một ít là điểu thương do vào triều Tự Đức, kinh tế khó khăn nên quân đội chuyển qua dùng là súng hoả mai. Quân đội chính quy được trang bị rất kém, 50 người mới có 1 khẩu súng, đạn không đủ dùng, bảo quản thuốc nổ kém gây ẩm, quân đội không luyện tập thường xuyên. Về lý do tại sao triều Gia Long, Minh Mạng ta là một trong những quốc gia có quân sự hùng mạnh Đông Dương mà đến nay lại tổ chức kém đến thế thì có rất rất nhiều lý do. Có dịp tôi sẽ trình bày quan điểm ở một bài khác. 
Các loại đại bác trên đều là kiểu cũ, theo công nghệ Phương Tây thế kỷ 17,18. Nòng súng không xẻ rãnh nên đạn bắn không chính xác, tầm sát thương thấp, tầm bắn gần. Khi nạp đạn thì mất rất nhiều thời gian, mất nhiều người để điều khiển và nạp đạn cho 1 đại bác dù lớn hay nhỏ. Các loại đạn dùng cho Thần Công đều bằng gang hay đồng (mà chủ yếu là gang), chỉ một số ít có nhồi thuốc nổ, còn lại thì cứ bắn như máy bắn đá vậy. Súng nổ to mà chẳng doạ được ai.
Ngoài súng thì quân lính nhà Nguyễn phần lớn trang bị các vũ khí thô sơ như giáo, mác, mâu, đoản đao, cung tên (có tre, có đồng) và thuẩn.
Như vậy mọi người có thể thấy được sự hạn chế của vũ khí nhà Nguyễn đối với quân viễn chinh Pháp như thế nào.

So với Nguyễn Tri Phương bố trí nặng về phòng thủ, người Pháp lúc này đã vạch ra kế hoạch tấn công rất chủ động. Vẫn như chiến thuật cũ, đầu tiên họ bố trí dọc rạch Tàu Hủ, Bến Cát, Thị Nghè, Bến Nghé các tài chiến, sẵn sàng nã đại bác vào đại đồn cũng như các đồn nhỏ bảo vệ đại đồn. Người Pháp nhận ra rằng mặc dù hơn hẳn về vũ khí cũng như chiến thuật hiện đại nhưng sự thua kém về số lượng quân là rất khó bù đắp. Chính vì vậy, quân Pháp tránh đối đầu với Đại đồn một cách chính diện tại mặt trận Bến Nghé, Thị Nghè (mặt chính của đại đồn). Thay vào đó, họ đậu dày đặc tàu chiến ngoài sông để ngăn cản sự tấn công của bộ binh nhà Nguyễn, chỉ cố thủ không công. Song song đó, người Pháp cũng bố trí khá dày các đồn nhỏ trải dài từ thành Gia Định (đã thất thủ) kéo dài đến Chợ Lớn theo hướng cắt xéo đường Võ Văn Tần ra Nguyễn Trãi, kéo dài tới Hồng Bàng ngày nay. Tại vành đai phòng ngự này, người Pháp bố trí nhiều đồn nhỏ và bốn đồn lớn gọi là "Phòng Tuyến Chùa" (lignes des pagodes)

  • - Đồn Barbe (pagode de Barbe), vốn là chùa Khải Tường (nơi Minh Mạng sinh ra), nay là cuộc đất thuộc trường Trung học Lê Quý Đôn và 1 phần đất của Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh đường Võ Văn Tần. 
  • - Đồn chùa Ao (pagode des Mares), vốn là đền Hiển Trung thờ công thần nhà Nguyễn, nay là cuộc đất trụ sở Bộ Công An, đường Nguyễn Trãi góc Nguyễn Văn Cừ.
  • -Đồn Kiểng Phước (pagode des Clochetons), vốn là chùa Kiểng Phước. Người Pháp còn gọi là chùa những tháp chuông (tôi đoán chùa này xưa là chùa Miên vì khu vực này ngày xưa còn đầy người Miên). Về vị trí chính thức thì tôi vẫn chưa dám khẳng định chính xác. Cụ Vương Hồng Sển và nhà văn Sơn Nam nói chùa này nằm trên đường Phù Đổng Thiên Vương ngày nay, trên nền Đại Học Y Dược xưa. Tuy nhiên tra cứu bản đồ thì không phù hợp lắm, tôi thiên về lý giải của chú Vaputin hơn là chùa nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, cuộc đất nay là trường Sư Phạm.
  • - Đồn Cây Mai (pagode des Pruniers), vốn là danh lam Chùa Cây Mai nổi tiếng trong Bạch Mai Thi Xã nay là doanh trại Quân Đội Nhân Dân trên đường Hồng Bàng góc Nguyễn Thị Nhỏ, gần chung cư Cây Mai
Người Pháp lập ra phòng tuyến với các đồn rải rác với ý nghĩa phòng thủ và kiếm chế đại quân Chí Hòa rất rõ ràng. Đồn Barbe-Khải Tường rõ ràng bảo vệ đầu não người Pháp tại thành Gia Định , đề phòng quân Việt tái chiếm.
Đồn chùa Ao bảo vệ hành lanh Saigon-Cholon, con đường thông thương duy nhất nối khu người Việt với người Hoa bấy giờ, dân ta gọi Nguyễn Trãi ngày nay là đường trên phân biệt với đường dưới là đại lộ đông Tây ngày nay. Ngoài ra án ngữ tại mặt trận này giúp Pháo thoải mái vận chuyển lương gạo nuôi quân và cả bán gạo ra nước ngoài từ vựa gạo Cholon. Nơi đây cũng có bệnh viện đầu tiên mà người Pháp lập ra, nay là Bệnh viện Chợ Quán.
Đồn Kiểng Phước và đồn Cây Mai áp sát đại đồn, cắt đứt hoàn toàn sự chi viện lương của Đại đồn từ Cholon, đồng thời cô lập Đại Đồn.
Ngoài ra, Pháp còn bố trí dày đặt tàu tại rạch Thị Nghè, Bến Nghé và Gò Vấp nhằm ngăn không cho quân cứu viện từ Biên Hòa xuống, đồng thời chặn hậu quân Việt thua rút lên Biên Hòa.
Đại đồn xây dạng hình thang dài (như trên bản đồ), mặt chính hướng ra rạch Bến Nghé đối đầu với đồn Barbe và đại quân của Nguyễn Tri Phương cũng ở đó. Người Pháp sau khi bao vây đại đồn, cắt đứt tuyến đường nối Cholon với đại Đồn thì cho rằng mặt hông Đại đồn là yếu ớt nhất. Chính vì vậy họ thực hiện kế hoạch đánh bao vậy bằng cách dồn quân tại đồn Cây Mai, hành quân theo lối cầu Tre ra Bàu Cát Tân Bình ngày nay đánh thẳng vào hông của đại đồn. Mặt khác đại bác tại phòng tuyến chùa chiên đồng loạt nã pháo vào đại đồn để kiềm chế đại quân. Mặt hông đại Đồn là xóm Thuận Kiều, nối với vùng Hóc Môn, tại đây là kho lương thực của Đại đồn, đồng thời là đường rút lui của quân Nguyễn khi có biến.

Như vậy có thể thấy về mặt chiến thuật, quân nhà Nguyễn và người Pháp đều có chủ trương bao vây, cắt đứt đường nối Cholon với 2 bên, đồng thời nặng tính phòng thủ. Mặc dù vậy người Pháp có phần lợi thế hơn trong chiến thuật này
     1. Về đối kháng trực tiếp, cậy vào đại bác và vũ khí cầm tay hiện đại hơn nên trong những cuộc đụng độ dành quyền kiểm soát Cholon, người Pháp đã thắng. Mặc dù các tư liệu lịch sử của bên ta và cả hồi ký bên địch đều cho biết quân Nguyễn đã chiến đấu hết sức kiên cường và có lợi thế về quân số nhưng rõ ràng các tàu chiến neo ngoài rạch đã hỗ trợ quân Pháp rất nhiều trong khi đại bác nhà Nguyễn lại không có tầm bắn xa như thế. Thắng lợi trong quyền kiểm soát Cholon gây cho quân Nguyễn Tri Phương rất nhiều khó khăn trong việc tiếp tế lương thực và bị khóa chặt con đường mở rộng địa bàn tại Cholon (người Hoa vẫn rất có cảm tình với nhà Nguyễn cho đến lúc này)
     2. Mặc dù người Pháp và quân đội nhà Nguyễn đều chủ trương bao vây quân địch nhưng mục đích bao vậy lại là khác nhau. Nguyễn Tri Phương cùng với Tham quân Tôn Thất Hiệp chủ trương áp dụng lại chiến thuật đã giành thắng lợi trước quân tại Đà Nẵng, bao vây tiêu diệt sinh lực địch bằng các cuộc đột kích nhỏ lẻ nhằm dần hạ các đồn trong phòng tuyến chùa chiền. Nguyễn Tri Phương hi vọng ông thành công trong việc cắt đứr nguồn tiếp tế lương thực dồi dào tại Cholon khiến quân Pháp phải thiếu lương rồi tiêu hao dần bởi bệnh tệt và du kích của quân Nam chứ không chủ động đưa đại quân tấn công. Trong khi đó người Pháp có sự chủ động hơn, sau khi được bổ sung lên đến 4000 quân cùng tàu chiến và đại bác đưa từ Trung Hoa sang, người Pháp bao vây nhằm chuẩn bị một cuộc tấn công quy mô kiểu "nhất châm kiến huyết", một lần dọn sạch đại đồn. Chính vì chủ động hơn nên thế cuộc bao vậy của người Pháp đã dần dần cô lập đại Đồn.
     3. Người Pháp tỏ ra khôn ngoan và khá kiên trì khi chấp nhận bỏ ngỏ hướng chính diện Đại Đồn, hành quân gian khổ từ đồn Cây Mai đánh thẳng vào mặt hông của đại Đồn nhằm chia cắt tiền quân, trung quân nhà Nguyễn với kho lương phía sau. Nên nhớ thời điểm ấy, toàn vùng Cây Mai-Phú Lâm là ao hồ, rạch và đầm lầy, hành quân vòng sang tận quận Tân Bình ngày nay thì phải đối mắt với toàn rừng hoang, ao hồ đầm lầy, thế mà họ quyết định đi và tôi cho là đó là quyết định dẫn tới thắng lợi của họ.

Một vấn đề nữa tôi nghĩ cũng nên nhắc tới là cách chủ trì các cuộc tấn công của hai bên. Nhiều quan điểm cho rằng đây chỉ là vấn đề nhỏ không đáng nhắc tới nhưng với tôi, việc chỉ huy cuộc chiến của tướng lãnh hai bên trong trường hợp này đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thắng lợi.
Chúng ta đều biết đến lúc này triều đình chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng học thuyết quân sự phong kiến tương tự như Trung Quốc, khá lỗi thời so với cách hành quân, tấn công của Châu Âu. Người Pháp tấn công đại đồn theo lối phương trận từng cụm nhỏ, vừa tránh được pháo thần công, vừa có thể phòng thủ được kị bình đối phương. Chiến thuật quen thuộc và khá thành công của người Pháp là đồng loạt nã pháo mở đường cho bộ binh sau đó bộ binh xông trận bằng các lập hình vuông nhỏ, kỵ binh tản sang 2 cánh bảo vệ phương trận. Sau khi thoát khỏi tầm xa của đại bác thì các phương trận bắt đầu dàn hàng ngang tràn lên tấn công. Trong khi phía Việt quân vẫn tiếp tục dàn quân theo hướng tiền quân, trung quân, hậu quân nêm chật ních và xung phong theo từng cụm. Chính vì thế mà đại bác Pháp dễ dàng xé tan đội hình quân ta, các đợt xung phong dàn hàng ngang rời rạc cũng dễ dàng thất bại bởi các phương trận tập trung của quân Pháp. Các tư liệu lịch sử đều khẳng định rằng nhiều lần quân đội nhà Nguyễn cho voi xung trận, tuy nhiên đối đầu với đại bác và súng trường người Pháp thì chiến thuật này rất không hiệu quả.
Trong quá trình chỉ huy quân đội nhà Nguyễn kháng cứ các cuộc tấn công của quân Pháp. Nguyễn Tri Phương vẫn hay ngồi nơi dễ thấy nhất, cao nhất, dưới lọng đỏ cờ vàng, xung quanh là vệ quân đông đúc. Đây là tư thế "cố trì" cổ vũ sĩ khí ba quân tướng sĩ. Tướng còn đó thì binh không được lui, tướng xung phong tuyến đầu thì binh sĩ được cổ vũ mạnh mẽ, đây gọi là quân tâm. Điều này có rõ ràng ka2 cổ vũ sĩ khí mạnh mẹ cho ba quân, nhưng trong thời đại mà súng trường, đại bác là vũ khí chính thì rõ ràng điều này "lợi bất cập hại". Trong cuốn "hồi ký 1 cuộc chiến" của viên chỉ huy người Pháp tham gia trận đại đồn Chí Hòa, ông mô tả rằng tướng quân của người An Nam rất dũng cảm và luôn đi đầu để chỉ huy quân lính ông ta. Người Pháp dù không rõ mặt Nguyễn Tri Phương nhưng thấy ông trầm ổn, lại ngồi nơi cao nhất nên đoán chắc đó là chỉ huy của quân Việt, chính vì thế Pháp luôn cố gắng nã pháo cũng như bắn súng về hướng đó. Rõ ràng chúng ta đều biết qua các tư liệu lịch sử rằng Nguyễn Lâm tử trận, Nguyễn Tri Phương trúng mảnh pháo vào bụng trọng thương thế là quân triều đình vỡ trận hoàn toàn. Như vậy có thể thấy một trong những lý do khiến quân ta sụp đổ quá sớm trước cuộc tấn công toàn diện của người Pháp chính là người chỉ huy quân triều đình ngã xuống quá sớm.
Trong phạm vi bài viết này, tôi đã không chú trọng nêu lên diễn biến chi tiết cuộc chiến, những số liệu khô khốc mà các bạn có thể đã xem rất nhiều trên mạng hay các tư liệu chính thống khác. Tôi chỉ cố gắng bằng khả năng của mình, diễn đạt quan điểm so sánh tương quan lực lực nhằm cùng mọi người tìm ra những lý do hợp lý, lý giải cho sự thất thủ của đại đồn Chí Hòa, mở đầu cho sự sụp đổ toàn bộ miền nam vào tay người Pháp. lý giải cho sự thất bại tại đại đồn Chí Hòa, tôi hi vọng phần nào có thể giải tỏa sự tò mò, bức xúc của quý vị về một sự kiện lịch sử hùng tráng nhưng đầy bi thương này và quann trọng hết tôi muốn gửi đến những vị khách dù tìm hiểu hay không tìm hiểu lịch sử vẫn luôn mồm phỉ báng tiền nhân. Tôi đã nghe rất nhiều những ý kiến như "chênh lệch quân số như thế mà thua thì Nguyễn Tri Phương cũng rất tầm thường", kiểu như " bè lũ quan quân Nguyễn Triều bạt nhược, lâm trận bỏ chạy".... Thưa các bạn, nói như thế thì có tội với tiền nhân nhiều lắm. Người Pháp đánh Việt Nam và việc Triều Nguyễn thất bại hoàn toàn thực tế là một vòng quay tiến bộ của lịch sử. Trong thời đại mới, những gì lạc hậu, chậm trễ đổi mới, quan liêu... sẽ đều lần lượt bằng cách này hay cách nào khác bị lịch sử gạt bỏ. Triều đại phong kiến lúc này đã quá lạc hậu, một lực lượng khác có tư duy tiến bộ hơn, phát triển chênh lệch hơn đánh bại là chuyện rất hiển nhiên. Câu chuyện về đại đồn Chí Hòa cũng thế, hàng ngàn quân Việt đã bỏ mình, họ đã chiến đấu dành giựt từng tấc đất với người Pháp. Phủ định điều gì có thể nhưng đừng phủ định lòng yêu nước của những dũng sỹ đó. Chúng ta thua người Pháp ngoài những lý do tôi đã nói, trên hết là thua ở sự tiến bộ, thua ở sự đào thải khắc nghiệt của lịch sử, thua bởi quy luật đào thải nghiệt ngã của xã hội. Xã hội luôn vận động, chúng ta đứng lại quá lâu so với người Pháp, ắt hẳn phải chịu thất bại thôi. Người Việt không yếu, không thua bất cứ ai, bằng chứng khi chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường học hỏi những điểm mạnh, điểm mới trên thế giới và áp dụng vào đất nước thì lực lượng mới của ngài dù đi sau đẻ mượn đã oanh oanh liệt liệt đánh thắng Pháp, Mỹ giải phóng đất nước. Vậy nên, hãy nghĩ đến lịch sử mà "cảm thông với Nguyễn Tri Phương" và " tự hào vì sự nghĩa dũng của hàng vạn binh sỹ vệ quốc đã ngã xuống" các bạn nhé.

VÀI HÌNH ẢNH VỀ PHÒNG TUYẾN CHÙA CHIỀN CỦA NGƯỜI PHÁP
 Chùa Khải Tường
Chùa Khải Tường là một trong hệ thống chùa quan trọng trong triều đình Nhà Nguyễn. tại đây, khi Nguyễn Ánh chay trốn Tây Sơn cùng Thuận Cao Hoàng Hậu đã hạ sanh Hoàng tử Đảm tức vua Minh Mạng tại đây. Đại úy Thủy quân lục chiến Pháp Barbe đã chiếm chùa Khải Tường làm đồn lính chống lại sự phản công của quân Việt. Vị trí chùa Khải Tường hiện nay chính là trường Lê Quý Đôn đường Nguyễn Thị Minh Khai-Võ Văn Tần. Cổng tam quan trong ảnh là quay về phía đường Võ Văn Tần. Con đường phía trước chùa chính là Võ Văn Tần ngày nay.

Miếu Hội Đồng trong hệ thống Chùa Ao
Chùa Ao,tên do dân gian gọi là hệ thống chùa - miếu - đền tại khu đất rộng lớn ngày nay trên đường Nguyễn Trãi, ngay vị trí nay là trụ sỡ Bộ Công An Phía Nam-nhà khách Bộ Công An kéo dài từ góc Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Trãi đến ngã tư Nguyễn Văn Cừ.  trong vùng đất này nguyên thủy có chùa Kim Chương (Chung), Miếu Hội Đồng, Đền Hiển Trung thờ các vị khai quốc công thần và tướng lĩnh có công của nhà Nguyễn. Ảnh trên là Miếu Hội Đồng ngay góc Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Trãi. Dân ta gọi chung là chùa Ao bởi 2 đầu Nguyễn Cư Trinh và Nguyễn Văn Cừ có 2 ao sen nhỏ rất đẹp. Người Pháp chiếm nơi đây thành đồn Chùa Ao như đã nói ở trên.

Chùa Kiểng Phước
Chùa Kiểng Phước nay vẫn còn tranh cãi về vị trí ngày nay. Cụ Sơn Nam và cụ Vương Hồng Sển cho rằng chùa nằm ở đường Phù Đổng Thiên Vương Q.5. Bác Vaputin bằng những dẫn chứng của mình  đã xác định chùa nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, nay là trường Sư Phạm. Tôi nghiên về những dẫn chứng của bác Vaputin hơn. Pháp chiếm chùa này và trở thành đồn tháp chuông như đã nói trên. Trong ảnh là chùa Kiểng Phước đã bị Pháp chiếm và gia cố tháp canh.

Chùa Cây Mai sau khi Pháp chiếm
Chùa Cây Mai hay Mai Sơn Tự là ngôi chùa nổi tiếng đã được Lê Quang Định nhắc đến khi vịnh các cảnh đẹp đất Gia Định xưa. Gọi chùa cây Mai bởi nơi đây có 2 gốc mai giá to lớn, từng là niềm cảm hứng cho biết bao thi sĩ. Người Pháp chiếm chùa lập ra đồn Cây Mai. Trong ảnh là ngôi chùa sau khi bị Pháp chiếm. Chùa cây Mai nay là doanh trại quân đội Nhân Dân Việt Nam tọa lạc góc Nguyễn Thị Nhỏ - Hồng Bàng quận 11. 


3 nhận xét:

  1. Vị tri chùa Khải Tường là chổ villa bà Henriette Bùi Quang Chiêu (giờ là nà trưng bày chiến tích chiến tranh); Còn vị trí trường Lê Quý Đôn bây giờ là miếng đất khi xưa Lê Văn Duyệt cho xây rạp hát bộ.

    Trả lờiXóa