Vốn dĩ tôi có liên hệ với Lama Yeshi Dorjee nhờ ngài kiếm giúp tôi 1 phòng trọ gần tu viện Gaden, tu viện lớn nhất Karnakarta, nơi đức Ngài Đạt Lai Lạt Ma sẽ giảng pháp tại Pháp Hội Lamrim. Tuy nhiên ngài Ahbay có nói đã bố trí cho tôi một ngôi nhà mà ngài đã thuê lại cách tu viện Graden 20 phút đi bộ và cách tu viện Ling 5 phút đi bộ. Ngài nói cùng thời điểm này có 1 đoàn Việt Nam và đoàn Châu Âu sang thăm thầy, mong tôi ở cùng đoàn Việt Nam kiêm phiên dịch vì đoàn Việt Nam lần này không có người phiên dịch. Tôi vui vẻ đồng ý, điện thoại khước từ nhà trọ của Lama Yeshi Dorjee.
Cũng nói thêm với các bạn, tôi cực kỳ may mắn khi đợt đi Bengaluru kỳ này trùng với đợt Pháp Hội của đức Ngài Đạt Lai Mạt Ma 14. Như vậy tôi sẽ có 1 tuần học Pháp Lamrim tại tu viện Gaden cùng với hàng chục ngàn Phật tử khắp nơi trên thế giới đổ về, hàng ngàn Tăng Ni từ các tu viện khác cũng sẽ đổ về nơi tôi ở để học Pháp và diện kiến đức ngài Đạt Lai Lạt Ma.
***Nói thêm về tu viện Gaden Shartse tại Karnakarta
Tu viện Gaden Sharte
Tu viện này vốn là tu viện cổ tại Tây Tạng, tuy nhiên đã bị hủy hoại nghiêm trọng sau cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc năm 1959 đối với nhà nước Tây Tạng. Năm 1969, ngôi tu viện này được xây cất lại tại Mungol, Bangalore, Nam Ấn Độ với sự cố gắng nhằm xây dựng lại một trong những tu viện theo truyền thống Tây tạng.
Vài vị sư già và 15 chú tiểu đã chạy trốn khỏi Tây Tạng và xin tị nạn tại vùng này, nhà nước Ấn Độ đã cấp cho họ vùng đất Mundgod, ngay tại khu đồi rừng rậm. Hiện nay đây là tiền đồn của sự sống lại nền giáo dục và văn hóa Tây Tạng với hàng ngàn tu sinh, giáo sư, học giả và là cái nôi Mật Tông Tây Tạng tại Ấn Độ. Tu viện nổi tiếng và được xem là đứng đầu đối với Phật Giáo Tây Tạng. 70% tu sinh tại đây tuổi từ 12 đến 15, 80% sinh tại Ấn Độ và hàng tuần hàng chục trẻ em đào thoát khỏi Tây Tạng tiếp tục được đưa đến đây nuôi dưỡng và học tập.
Thiết nghĩ cũng nên nói thêm về vùng đất tôi đang tá túc là Mundgod thuộc xã Karnakata. Vùng đất này là một phần cao nguyên Myshor, trước năm 1959 là rừng rậm dày đặt xen lẫn đồi núi. Sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Tây Tạng năm 1959, làn sóng tị nạn từ Tây Tạng tràn qua Ấn Độ ngày càng nhiều, chính phủ Ấn Độ quyết định chọn vùng đất này là một trong những nơi để người Tây Tạng định cư sinh sống. Hàng chục ngàn người Tạng trải qua nhiều thế hệ đã cải tạo vùng đất này thành một trong những cái nôi tái khởi nền văn hóa Tây Tạng, họ xẻ núi làm đường, đốn cây làm nhà, xây dựng các tu viện, trường học, thư viện... tại đây. Hiện nay vùng đất này vẫn còn rất nghèo, cơ sở hạ tầng cực kỳ thiếu thốn, đường xá cực kỳ bất tiện và gần như không có tiềm năng du lịch. Tại Mundgod, người Ấn vẫn là chủ xen lẫn với người Tây tạng tị nạn, tuy nhiên quanh khu vực tu viện Gaden bán kính khoảng 3km thì hầu như toàn là người Tạng. Phần lớn người Tạng tại khu vực này là Tăng Ni, số ít khác là chủ của các quán nước, nhà trọ nhỏ. Người Ấn quanh đây chỉ làm những công việc vặt như chạy xe Tuk Tuk (giống xe lam Việt Nam), buôn bán nhỏ ở chợ, làm công và nhân viên nhà nước. Ngài Đạt Lai Lạt Ma từng nói rằng "chúng ta phải tự hào rằng những con người lưu vong Tây Tạng ở đây đã bỏ biết bao công sức, máu, nước mắt để biến một vùng đất chết thành một trung tâm văn hóa như thế này. Chỉ tính riêng việc làm những con đường đất xuyên đồi, núi cũng đã lấy đi hàng ngàn sinh mạng người Tạng lưu vong".
Trục đường chính nơi tác giả ở
Ảnh do tác giả chụp
Theo cảm nhận riêng của tác giả, vùng đất này rất đặc biệt, mọi người đều rất nghèo khổ, các Tăng Ni phải đi bộ hàng km để học giáo pháp, hệ thống đường sá tệ hại, không có gì để giải trí... nhưng nơi đây thật sự là 1 thiên đường cho Phật giáo. Có lẽ số lượng Tăng Ni tại đây nhiều hơn cả những người dân bình thường, 90% người dân ở đây dù tu hay không thì vẫn ăn chay từ nhỏ, bạn sẽ không tìm được bất kỳ cửa hàng thực phẩm mặn nào trong bán kinh 3km kể từ tu viện Gaden. Người Tây Tạng tại đây cực kỳ lạc quan và tốt bụng. Tôi không biết người Tạng tại chính quốc như thế nào, nhưng có thể khẳng định người Tạng tại đây chính là những công dân tốt bụng nhất thế giới. Bạn gần như có thể được giúp đỡ một cách nhiệt tình khi bạn đề nghị bất cứ điều gì. Khi tôi lang thang chụp hình dọc trên trục đường chính Mungod thì một thanh niên người Tạng đi xe máy tấp vào hỏi tôi có lạc đường không? anh ấy sẽ giúp tôi về lại nhà trọ, tôi vờ như lạc đường và không biết địa chỉ nơi ở, nhờ anh ấy giúp dùm. Thật ngạc nhiên khi anh ấy đề nghị sẽ chở tôi đến tận nơi ở bằng xe máy mà không lấy tiền. Lo lắng việc này có thể xảy ra rủ ro không tốt, tôi từ chối. Người thanh niên Tạng đó quyết định giúp tôi gọi Tuk Tuk, tôi ngồi Tuk Tuk và anh ta theo sát chiếc xe đến tận nơi tôi ở. Thậm chí khi tài xế Tuk Tuk Ấn Độ lấy giá cao, anh ta không ngần ngại cự cãi để giúp tôi trả đúng giá chuyến đi. Thật tuyệt vời phải không các bạn.
Giao thông tại đây có 4 phương tiện chính, ô tô tay lái nghịch (ảnh hưởng từ thời Ấn là thuộc địa Anh), xe Tuk Tuk tương tự xe lam Việt Nam nhưng trang trí siêu màu mè, xe gắn máy 98% là xe amada tay kiểu mô tô phân khối 175cc trở xuống và cuối cùng là đi bộ. Giao thông là khá hỗn loạn, những chiếc xe ca chở khách trên mui hay khách bám vòng quanh xe là hình ảnh quen thuộc tại đây. Tuk tuk thì thường có 5 chổ ngồi, nhưng những ngày tại lễ hội thì chở 7,8 người là bình thường. Các tài xế Ấn Độ tại đây chạy xe rất kinh khủng, thường 2 xe ô tô ngược chiều nhau thì không ai tránh ai cả, họ có thói quen phật đèn pha soi nhau rồi khi còn cách nhau khoảng 1m họ sẽ lách xe tránh, tác giả khi đi xe đêm thì thường xuyên phải ngồi niệm chú Dược Sư hay Tara xanh để kiếm sự an toàn. Đi bộ ở đây cũng cực hình vì đường đất, bụi tung đầy trời. Chỉ khi đi sáng sớm thì mới có chút không khí trong lành cho nên tôi nhận thấy tại đây khẩu trang bán khá chạy :))). Ngày thường, đi xe Tuk Tuk, bạn tốt khoản 30 rupee cho lộ trình 2km (tương đương 10.500 VNĐ) nếu trê xe chỉ có bạn hoặc 1 người khác, nếu đi đủ người trên tuk tuk thì chỉ khoảng 15-20 rupee mà thôi. Nếu bạn đi dạng xe ca, đón khách dọc đường hoặc tại bến (chờ đủ khách đi kiểu như xe đò Việt Nam) thì 20 Rupee cho đoạn đường 3km hoặc hơn, rất là rẻ. Lưu ý là những dịp lễ hội hay giảng pháp thì giá cả tăng 2,3 lần.
Một chiếc xe Tuktuk tại Ấn Độ
Ảnh tác giả chụp
Loại xe gắn máy phổ biến tại Mundgod cho Tata Ấn Độ sản xuất
Ảnh tác giả mượn xe đi chở gạo từ thiện
Trong những ngày đầu tại đây, mặc dù đã chuẩn vị trước thức ăn chay từ Việt Nam mang qua, một phần cúng dường chư Tăng Ni, một phần để dùng cho quen miệng, thế nhưng tôi vẫn bị khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Thực đơn tại vùng đất này khá đơn giản, có thể tóm gọn rằng "bất cứ món nào cũng có cà ri", sáng cà ri, trưa cà ri, chiều cà ri, tối cà ri. Người Tạng ở đây sống lâu năm nên cũng bị ảnh hưởng của người Ấn Độ, tôi cũng không tìm được món Tạng truyền thống nào ở đây cả.
Buổi sáng, người dân thường ăn một loại bánh mỳ truyền thống Ấn Độ gọi là bánh Naan, bánh làm bởi bột mỳ và men khô, đem nướng và ăn với cari. Một loại bánh khác cũng rất phổ biến vào các bữa ăn chính là bánh Dosa làm từ bột gạo và bột lăng đen, loại bánh này rẻ và phổ biến khắp tất cả ngóc ngách của Ấn Độ, thường dùng bánh với các loại nước chấm đặc thù tuy nhiên chủ yếu vẫn là chấm với cari. Tác giả gần như ăn những món này suốt một tuần lễ đầu, mãi về sau mới phát hiện Ấn Độ còn có 1 loại cơm chiên truyền thống khá ngon tên là Biriyani. Loại cơm này nhìn tương tự như cơm chiên Dương Châu của Trung Quốc ăn với thịt gà hay thịt cừu nấu cùng với các loại gia vị khác như thì là, quế, các loại đậu, rau mùi, tỏi...và không thể thiếu nghệ tây.
Bánh mỳ Naan dùng với cà ri
Ảnh do tác giả chụp
Bánh Dosa cuộn dùng với các loại nước chấm
Ảnh do tác giả chụp
Mức sống tại vùng đất này thấp, như tôi đã nói phía trên, vùng đất tị nạn này nghèo và gần gũi với thiên nhiên, nó giống hệt một vùng quê tại miền Trung Việt Nam với rừng, vực thẳm hay những hồ nước sát bên bạn. Đường đất bụi mịt mù với giao thông hỗn loạn, nhà cửa thưa thớt và tạm bợ. Do mức sống thấp nên chi tiêu của tôi tại đây cũng thấp cực kỳ. Thông thường 1 bữa ăn hai người với cơm chiên hoặc bánh truyền thống tôi tốn khoảng 35.000 VNĐ hoặc hơn một chút. Sau 1 tuần vật lộn với cari, tôi bắt đầu có cách ăn tiết kiệm và hợp khẩu vị hơn. Đầu tiên tôi ra chợ tìm cải, rau và một vài loại củ. Do đã lường trước vấn đề ăn uống, tôi có đem sang đây rất nhiều mỳ gói loại Hàn Quốc cọng to cùng các món chay khô như rong biển, các loại đậu, chao, chà bông, muối mè... Vì thế tôi bắt nước sôi luộc rau và củ, nấu mỳ gói rồi ăn cùng với rau, cải chấm chao. Lúc này mới thấy các món chay Việt Nam đơn giản như thế nhưng mới ngon làm sao, các cô chú trong phòng và cả đoàn Châu Âu cũng rất thích kiểu ăn này, có lẽ mọi người đã quá ngán với các món cari mà cả tuần ai cũng phải nhai đi nhai lại.
Mặc dù vùng đất này nghèo nhưng cũng có khá nhiều món đồ bạn có thể mua lưu niệm hay sử dụng. Đầu tiên là thảm, rất nhiều thảm Ấn Độ bán tại đây với giá cả vừa phải, 1200 rupee tương đương 420.000 VNĐ để có 1 tấm thảm cỡ nhỏ 8 tấc x 1m5 là quá rẻ.Ngoài ra bạn còn có thể mua thêm các loại vòng tay, tràng hạt, chuỗi, các loại đồ đồng.... Tuy nhiên tôi khuyên bạn chỉ nên mua một ít cho vui tại đây bởi khi bạn di chuyển đến Bohgaya còn gọi là Bồ Đề Đạo Trang hay Nepal thì độ phong phú và chất lượng còn cao hơn rất rất nhiều.
Các bạn đón đọc phần tiếp theo nhé